Người dân Xuân Lai luôn tự hào vì có nghề đan mây tre. Theo các bậc cao niên trong làng, khi họ lớn lên làng nghề đã phát triển. Người làm nghề ở đây không có phường, có hội, không có khoán ước, không giữ bí mật… Mọi người học tập lẫn nhau, cha truyền con nối, đời này qua đời khác thành nghề cổ truyền. Trong đầu những năm 80 của thế kỷ XX, làng nghề bị lắng xuống do nhu cầu tiêu thụ của thị trường, người dân có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm mới làm từ đồ nhựa gia dụng. Làng nghề trở nên sa sút và bị mai một, trong làng chỉ có vài hộ làm các đồ như rổ, rá, dần, sàng giao bán ở các chợ. Trải qua biết bao thăng trầm, nhiều lúc tưởng chừng không tồn tại trước sức ép của nền kinh tế thị trường. Câu hỏi, làm thế nào để nghề mây tre Xuân Lai sống và phát triển trong thị trường trước sự cạnh tranh quyết liệt, đã dằn vặt những người con của làng… Cuối cùng, chính những người con trong làng đã tìm được câu trả lời, về hướng phát triển mới. Đó là việc đưa tranh dân gian Đông Hồ lên chất liệu tre của những chàng dám nghĩ, dám làm, họ đã sáng tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống, chắp cánh cho tre. Sản phẩm tre hun khói với mầu nâu đen bóng đã đem lại vẻ đẹp độc đáo trong trang trí nội thất, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nguyên liệu để làm tranh là tre, trúc, mây, nứa. Mầu tre đặc trưng của làng Xuân Lai, mầu nâu hun khói. Người Xuân Lai hiểu rằng, bên cạnh tay nghề thủ công họ còn cần niềm đam mê, sự tâm huyết và K là người đã gặt hái được những thành công đầu tiên bằng con đường đó. Đến cơ sở sản xuất của K vào một ngày cuối thu, không khí nhộn nhịp của những người thợ vẽ tranh như góp thêm phần sức mạnh cho chàng trai ngoài 30 tuổi này, nâng cao trí sáng tạo thổi hồn vào từng sản phẩm. Năm 1999, Kỷ bắt đầu làm nghề tranh tre hun khói. Lúc đầu chàng trai này chỉ là thợ loa đài phục vụ đám cưới, có chút hoa tay, nhiều người đã nhờ anh khắc tên vợ, chồng họ lên giường cưới. Từ đó bằng niềm đam mê, sáng tạo Kỷ đã tự mày mò, học hỏi ý tưởng đưa bức tranh dân gian Đông Hồ vào sản phẩm tranh tre nghệ thuật của mình. Anh tâm sự: “Khi mới bắt tay vào nghề, cái gì cũng bỡ ngỡ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, anh đã ngược xuôi đi ký gửi tại các cửa hàng trang trí nội thất ở Hà Nội. Và cũng chính từ đó họ đã tin tưởng vào sản phẩm của mình, sau một năm tôi chiếm lĩnh được thị trường, hiện nay đơn đặt hàng từ các nước như: Nhật, Nga, Mỹ, Hàn Quốc… không còn xa lạ nữa”. Theo đánh giá của nhiều khách hàng: “Sản phẩm tranh tre củaK, tuy dung dị nhưng cuốn hút bởi sự mộc mạc và chiều sâu tâm hồn bằng chất liệu tre hun, vẻ đẹp mang chất hoài cổ mà không đâu có được…”. Hiện nay, cơ sở tạo công việc ổn định cho 40 lao động chủ yếu là thanh niên, với mức thu nhập 900- 1 triệu đồng/ người/ tháng. Tổng doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/ năm.
Người mở đầu cho dòng tranh tre nghệ thuật không thể không nói đến D, vóc người nhỏ nhắn, giọng nói khàn khàn, không ai nghĩ anh lại là người đầu tiên tiến hành sản xuất và quảng bá rộng khắp sản phẩm mới trên mọi miền Nam, Bắc và cả các nước trên thế giới. Năm 2006, anh thành lập doanh nghiệp tư nhân, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân trong làng và những vùng lân cận. Anh cho biết: “Để hoàn thành bức tranh phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Từ khâu chọn tre, chế biến, hun, cạo tinh, đánh bóng, ken mặt, vẽ hình…. đều làm bằng thủ công. Quan trọng nhất là khâu ngâm tre và tạo hình, phương pháp ngâm tre truyền thống mất khoảng 4- 6 tháng để vừa chống mối, mọt vừa giữ được độ dẻo, bền của tre. Tạo mầu sắc như mong muốn đã khó, việc sử dụng nguyên liệu qua sơ chế tạo thành bức tranh lại càng cần sự sáng tạo và khéo léo của đôi bàn tay người thợ…”. Từ những thân tre, trúc bình dị, người thợ Xuân Lai đã tạo ra các loại như: Bàn, ghế, xích đu, giường, tủ, kệ sách báo… cho đến các loại bình phong, đèn khay… với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau, tất cả đều được người thợ Xuân Lai làm một cách kỹ lưỡng, giữ nguyên vẹn vẻ đẹp mộc mạc của chất liệu tre hun. Hiện nay, toàn thôn có 600 hộ tham gia làm nghề, giải quyết vịêc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập từ 500- 700 nghìn đồng/người/tháng; trong thôn đã hình thành 4 HTX và doanh nghiệp tư nhân; giá trị thu được từ nghề truyền thống chiếm 50% tổng giá trị kinh tế địa phương.
Để đưa làng nghề tiếp tục phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Vũ Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết: “Thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhiều hộ gia đình thành lập các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, mở rộng các tuyến đường giao thông thuận tiện cho việc đi lại, phối hợp giữa các HTX với doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để nâng tầm cao mới cho làng nghề trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước…”.
theo xuanlai.vn